Học sinh đầu cấp của Hà Nội tăng đột biến: Giáo viên, lớp học có tăng theo?

Bổ sung thêm phòng học

Theo thông tin từ Sở GDĐT Hà Nội, năm học này, số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp đều tăng mạnh so với năm học 2022-2023.

Trong đó, số học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào lớp 6 tăng khoảng 38.800 em; số học sinh trong độ tuổi tuyển sinh vào lớp 1 tăng khoảng 11.600 em.

Số lượng học sinh lớp 9 dự kiến tham gia xét công nhận tốt nghiệp THPT để dự tuyển vào lớp 10 năm học 2023-2024 là hơn 129.000 học sinh, tương đương với năm học trước.

Tuy nhiên, theo kế hoạch đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt, số học sinh được tuyển vào lớp 10 của các trường THPT công lập là 72.000 học sinh, chỉ chiếm 55,7%.

Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hà Nội).

Một tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hà Nội).

Cách đây ít ngày, Sở GDĐT Hà Nội đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của các trường trên địa bàn thành phố. Theo đó, thành phố sẽ tuyển tổng hơn 69.000 học sinh vào lớp 10 công lập không chuyên, tăng hơn 1.000 chỉ tiêu so với năm học trước. Thành phố thành lập thêm một trường THPT công lập là THPT Thọ Xuân (huyện Đan Phượng). Chỉ tiêu tuyển sinh của trường này năm học tới là 450 học sinh.

Dù có nhiều giải pháp, nhưng trước thực tế số lượng học sinh đầu cấp tăng đột biến, các trường phân tính toán số lớp học thế nào trong năm học tới là câu hỏi đặt ra.

Năm học 2023 – 2024, một số đơn vị có số lượng học sinh tăng mạnh như quận Hà Đông (vào lớp 6 tăng 5.208 học sinh so với số học sinh học hết lớp 9, tương ứng cần thêm 116 phòng học).

Con số này ở Hoàng Mai là 3.482em/77 phòng học; Nam Từ Liêm là 3.351/74; Chương Mỹ là 3.199/71; Bắc Từ Liêm là 3.099/69. Tại quận Hoàng Mai, cùng với số học sinh lớp 6 tăng, số lớp 1 cũng tăng 3.086 em so với số hết lớp 5, tương ứng cần thêm 88 phòng học.

Về việc chuẩn bị trường lớp cho năm học tới, theo bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng GDĐT quận Hoàng Mai, năm học 2022 – 2023, quận có 89 trường học, trong đó 48 trường mầm non, 23 trường tiểu học và 18 trường THCS với 2.048 lớp học, tăng 79 so với năm học trước.

Quận Hoàng Mai cũng xây mới, cải tạo, thành lập mới nhiều trường học. Tuy nhiên, với dân số cơ học tăng quá nhanh dẫn đến tình trạng xây trường không kịp để đáp ứng. Để chuẩn bị chỗ học cho học sinh, nhất là học sinh THCS năm học tới, quận tiếp tục xây dựng thêm trường học ở các cấp.

Ngoài Trường THCS Tân Mai, THCS Đại Kim, THCS Hoàng Mai đã được cải tạo, xây mới, quận đã thành lập mới Trường THCS Linh Đàm, xây mới Trường THCS Định Công và có kế hoạch xây nhiều trường học trong thời gian tới.

Thiếu chồng thiếu

Việc số lượng học sinh đầu cấp tăng đột biến không chỉ dẫn tới tình trạng thiếu phòng học mà còn thiếu cả đội ngũ giáo viên, nhất là trong bối cảnh ngành giáo dục tinh giản biên chế và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Theo thống kê, năm học 2022-2023, tổng số viên chức ngành Giáo dục của TP Hà Nội còn thiếu so với định mức do Bộ GDĐT quy định là 10.265 biên chế, trong đó số giáo viên thiếu của bậc tiểu học là 3.436 người, bậc THCS là 3.135 người, bậc THPT là 1.311 người.

Học sinh Trường Tiểu học Đông Thái (Hà Nội).

Học sinh Trường Tiểu học Đông Thái (Hà Nội).

Cô Trần Lệ Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) cho hay, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu áp dụng với lớp 6, tình trạng thiếu giáo viên của trường thêm trầm trọng vì có các môn học, hoạt động mới. Thực hiện chương trình, giáo viên Toán phải dạy cả Tin học, giáo viên Văn dạy nội dung giáo dục địa phương hay hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

“Thiếu giáo viên khiến nhà trường chịu áp lực nhiều phía, vừa vận động, thuyết phục để giáo viên dạy quá tiết theo quy định, có trường hợp phải dạy hơn 20 tiết/tuần (trong khi quy định nhiều nhất là 18 – 19 tiết/tuần), vừa phải lo bảo đảm chất lượng”, Hiệu trưởng Trường THCS Lĩnh Nam cho hay.

Đề cập về khó khăn của việc bố trí đội ngũ, ông Nguyễn Đức Hòa, Trưởng phòng GDĐT huyện Chương Mỹ thông tin, trên địa bàn huyện hiện nay thiếu 153 giáo viên tiểu học và 95 giáo viên THCS, còn giáo viên mầm non đã đủ biên chế. UBND huyện đã có kế hoạch gửi lên Sở Nội vụ để duyệt biên chế, tổ chức thi tuyển từ năm 2022 nhưng chưa thực hiện được.

Trong khi đó, lộ trình tinh giản 10% biên chế khiến các trường tiểu học thêm khó khăn “thiếu chồng thiếu”. Việc ký hợp đồng giáo viên cũng không dễ vì khó tìm nguồn tuyển đảm bảo trình độ. Ngay ở phòng GDĐT cũng gặp khó khi nhân sự có 9 người và chỉ có một người đảm nhận chuyên môn ở mỗi cấp học.

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho học sinh và nhà trường, Sở GDĐT Hà Nội quy định, sau ngày 18/7, các trường tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu được giao phải báo cáo Phòng giáo dục và đào tạo. Căn cứ vào tình hình cụ thể, các trường được phép tuyển sinh bổ sung cho đủ chỉ tiêu.

Thời gian tuyển sinh bổ sung trong ngày 21 và 22/7/2023.

Nguyễn Hoài

Bài viết liên quan